TP Cần Thơ đã phê duyệt nhiều dự án khu đô thị, khu tái định cư trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, phần lớn các dự án này đều đang vướng khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).
Điển hình là dự án Khu đô thị công nghệ thông tin tập trung do Quỹ đầu tư phát triển TP. Cần Thơ (CADIF) làm chủ đầu tư tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Dự án này có tổng diện tích 72ha, giá phê duyệt đền bù đất khoảng 37.000 đồng/m2 đất nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn người dân có đất trong dự án không đồng tình, đấu tranh với chủ đầu tư.
Năm 2017, UBND TP. Cần Thơ đã điều chỉnh giá đền bù lên khoảng 40.000- 44.000 đồng/m2 đất nông nghiệp, nhưng đến nay dự án này mới đền bù được khoảng 22/30 ha.
Ông Lương Văn Khai, một người dân có gần 7.000m2 đất trong dự án Khu đô thị công nghệ thông tin cho biết, việc đền bù GPMB tại khu đô thị này vẫn đang có nhiều vướng mắc vì giá do Thành phố phê duyệt và giá ngoài thị trường có độ chênh lệch lớn quá.
Một cán bộ thuộc Trung tâm phát triển Quỹ đất quận Cái Răng cho rằng, sở dĩ các dự án này vướng GPMB do Thành phố điều chỉnh giá đất 5 năm một lần, trong khi giá đất giao dịch trên thị trường tăng liên tục, nên người dân khó đồng thuận.
Ngoài dự án Khu đô thị công nghệ thông tin tập trung, còn nhiều dự án khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, như Dự án Khu đô thị Hải Đăng do Liên danh CTCP Quản lý BĐS và Đầu tư Sài Gòn - CTCP Đầu tư Địa ốc Hải Đăng – CTCP Đầu tư Xây dựng Hải Đăng – CTCP Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư; Dự án Khu đô thị mới Nam Cần Thơ do CTCP Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ làm chủ đầu tư…
Ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó giám đốc Ban quản lý dự án quận Cái Răng cho rằng, để GPMB các dự án khu dân cư nhanh chóng, Nhà nước cần cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với người dân đổi đất nông nghiệp lấy đất nền dự án có hạ tầng, tỷ lệ bao nhiêu tùy hai bên thỏa thuận.
“Cách này trước đây Thanh tra Chính phủ tuýt còi không cho phép vì sai quy định. Do đó, Nhà nước cần có chủ trương thì các Sở, ngành mới dám thực hiện” - ông Nguyên nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét